Rà soát công tác quản lý thị trường thực phẩm chức năng

24/01/2017 02:49

Thực phẩm chức năng đang được sử dụng khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Bắt nguồn từ nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động sản xuất mặt hàng này. Sự bùng nổ khá nhanh của thị trường thực phẩm chức năng đang làm nảy sinh một số khó khăn, thách thức trong quản lý cũng như rủi ro cho người tiêu dùng. Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam - VAFF, hiện có khoảng 6% dân số nước ta sử dụng thực phẩm chức năng, riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 43%. Và có khoảng gần 2.000 cơ sở sản xuất và hơn 70 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, với trên 5.500 sản phẩm đang lưu thông trên thị trường. 52% trong tổng lượng thực phẩm chức năng đang lưu hành có nguồn gốc xuất khẩu và 48% còn lại là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Do đó, nước ta đang trở thành một thị trường tiềm năng cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước sản xuất và kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng. Số lượng các doanh nghiệp nội kinh doanh mặt hàng này hiện đang tăng nhanh. Thị trường thực phẩm chức năng nước ta có nhiều triển vọng để khai thác, nhưng việc quản lý hiện khá lỏng lẻo và đang nảy sinh nhiều bất cập.

Bất cập dễ thấy nhất là giá bán nhiều loại thực phẩm chức năng khi đến tay người tiêu dùng đã bị nâng lên quá cao so với giá trị thực của sản phẩm. Điều này một phần là mặt hàng thực phẩm chức năng hiện phải chịu mức thuế suất là 30%, trong khi đó thuế đối với thuốc và sản phẩm y tế chỉ ở mức 0-10%. Bên cạnh đó, sản phẩm thực phẩm chức năng tuy khá phổ biến ở thị trường nội địa nhưng hiện vẫn là mặt hàng khá mới mẻ đối với nhiều người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng lợi dụng hiểu biết mù mờ của người tiêu dùng để kiếm lời bằng cách nâng giá bán quá mức. Theo báo cáo thanh tra quản lý thị trường, một số sản phẩm có giá nhập khẩu chỉ ở mức 200 - 300 nghìn đồng, nhưng được bán cho người tiêu dùng với giá 1,9 - 2 triệu đồng.

Ngoài ra, dư luận cũng đang bức xúc trước tình trạng thực phẩm chức năng được quảng cáo cường điệu so với công dụng, hiệu quả thực tế của sản phẩm. Ví dụ như một số loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng với một số bệnh, thậm chí là với bệnh nan y. Nhưng về nguyên tắc thực phẩm chức năng chỉ đơn giản là hỗ trợ điều trị và bổ sung vi chất, bổ trợ sức khỏe, không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Cách quảng cáo mập mờ này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, và mất tiền oan cũng vì lẽ đó. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận đã đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm kém chất lượng và phi tác dụng đối với sức khỏe người sử dụng.

Những bất cập nêu trên vẫn xảy ra là do dù có một số văn bản về quản lý, quảng cáo thực phẩm chức năng, song việc áp dụng và thi hành trên thực tế vẫn chưa thực sự quyết liệt và thiếu hiệu quả. Để có thể khắc phục được những bất cập đang nảy sinh trong quản lý hoạt động thị trường thực phẩm chức năng, trước hết, các cơ quan chức năng cần tính toán, xem xét việc giảm thuế cho loại hình sản phẩm này. Đồng thời, thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ giá thành, giá bán thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa nhằm hoàn thiện công tác quản lý thị trường thực phẩm chức năng. Theo đó, kiện toàn lực lượng quản lý tại cơ sở và thành lập đội thanh tra chuyên ngành có kiến thức sâu về thực phẩm chức năng bảo đảm hiệu quả công tác quản lý chất lượng và giá cả. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế, cần tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thực phẩm chức năng. Cùng với đó, bộ cũng cần đưa ra những chiến lược cụ thể nhằm hỗ trợ cho ngành thực phẩm chức năng có thể phát triển đúng hướng và trở thành một ngành kinh tế về sức khỏe.

(theo Nguyễn Giang - daibieunhandan.vn)

 

Các tin khác
Thực phẩm chức năng không có tác dụng diệt virus, diệt nCoV (Convid-19)

Thực phẩm chức năng không có tác dụng diệt virus, diệt nCoV (Convid-19)

13/02/2020 12:00