VAFF kêu gọi hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022"

15/04/2022 11:30

Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) kêu gọi các đơn vị thành viên của Hiệp hội cùng tích cực hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022".

Trong nhiều năm qua, thực phẩm bẩn, không an toàn trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với xã hội, gây ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý hoang mang cho người dân, tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các cá nhân. Đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm đã trở thành nhiệm vụ quan trọng được cả hệ thống chính trị quan tâm. Ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, trong đó hằng năm các Bộ, ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Trong năm 2022, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Thời gian triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5/2022 trên phạm vi toàn quốc.

Nhằm hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022”, đồng thời thực hiện Thỏa thuận phối hợp hành động đảm bảo an toàn thực phẩm giữa Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ký ngày 10/2/2015, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam kêu gọi các Hội viên, các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm chức năng:

- Tích cực hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022”, tuân thủ tốt các chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm.
- Tích cực duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường công tác tự kiểm tra, tự giám sát hoạt động nuôi trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác kiểm nghiệm, giám sát chất lượng sản phẩm trước, trong và sau sản xuất.
- Tăng cường các buổi tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho người lao động, người trực tiếp nuôi trồng, chế biến dược liệu, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng nhằm nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần chủ động kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm; tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, từ công dụng, hướng dẫn cách sử dụng; chỉ sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, thường xuyên có những phản hồi tích cực khi phát hiện những vấn đề về an toàn thực phẩm cho các cơ quan chức năng để ngăn chặn các nguy cơ hàng hóa mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường.
- Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam yêu cầu Tạp chí Sức khỏe+, Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đặc biệt tăng cường truyền thông quảng bá các hoạt động nuôi trồng, thu hái dược liệu phục vụ sản xuất thực phẩm chức năng, các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng thực phẩm chức năng theo đúng hướng dẫn và quy định của cơ quan chức năng nhằm giúp cộng đồng HIỂU ĐÚNG – LÀM ĐÚNG – DÙNG ĐÚNG. 
Các tin khác