Rùng mình nước uống đường phố Hà Nội

24/01/2017 02:24

Viện Thực phẩm Chức năng Việt Nam - VIDS vừa lấy mẫu ngẫu nhiên một số loại thức uống đường phố ở nội thành Hà Nội. Dù số mẫu không nhiều, nhưng những kết quả xét nghiệm cho thấy: Nước uống đường phố đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe. Việc lấy mẫu nước uống và nguyên liệu trước khi pha chế nước uống được lấy ngẫu nhiên ở các phố bán nhiều mặt hàng này ở Hà Nội: Nước trà chanh ở phố Nhà Thờ; trà bát bảo và nước ngô, trà đá ở Cát Linh; nước mía, nhân trần và trà xanh ở Đê La Thành; nước vối ở Hoàng Cầu; nhân trần khô ở Lãn Ông. Chín mẫu nước uống và nguyên liệu này được xét nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn, Viện Thực phẩm Chức năng (TPCN) Việt Nam, tìm hàm lượng vi khuẩn hiếu khí, men mốc, men nấm, vi khuẩn E.Coli, B.cereus và giới hạn kim loại nặng Pb (chì), Hg (thủy ngân), Cd (cadimi) trong đó.

bieu do nhiem khuan Tra chanh.jpg

Biểu đồ nhiễm khuẩn trà chanh 

Kết quả được Viện TPCN công bố sáng 23/7/2013, PGS-TS Hỗ Bá Do - Phó Viện trưởng - cho biết: 3/9 mẫu có vi khuẩn hiếu khí vượt mức cho phép. Chỉ tiêu này đánh giá chất lượng về vi sinh vật, gây hỏng thực phẩm, thời gian bảo quản của sản phẩm, mức độ vệ sinh trong chế biến và khả năng gây nhiễm khuẩn ngộ độc thức ăn. Tất cả 9 mẫu đều có mặt vi khuẩn B. cereus và đặc biệt cao ở mẫu nhân trần khô. B. cereus là chỉ tiêu đánh giá nguy cơ gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn quan trọng ở các nước. Loại vi khuẩn này có mặt ở khắp nơi trong môi trường và gây bệnh bằng sinh độc tố.

8/9 mẫu vượt mức cho phép về vi khuẩn E.Coli - loại vi khuẩn trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. 4/9 mẫu vượt mức cho phép men, mốc. Các loại nấm mốc sinh độc tố mycotoxin và aflatoxin, gây nhiễm độc cấp và mạn, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư. 3/9 mẫu có hàm lượng kim loại nặng (Pb, Hg, Cd) vượt mức cho phép. Trong đó, hàm lượng Pb, Cd trong mẫu nước trà xanh, mẫu nhân trần khô và mẫu nước nhân trần đều vượt xa giới hạn cho phép. Hàm lượng Hg (thủy ngân) trong mẫu nước nhân trần cũng vượt tiêu chuẩn cho phép.

PGS-TS Do lý giải về hàm lượng kim loại nặng cao trong nhân trần và nước nhân trần: “Thời điểm thu hoạch nhân trần là mùa xuân và mùa thu, ít nắng nên người sản xuất thường phun hóa chất, chính là thuốc trừ sâu để làm héo cây. Mặt khác, việc các thức uống này được bán trên vỉa hè - nơi các phương tiện giao thông cơ giới, xe máy, ôtô xả khói thường xuyên - có thể khiến nước uống không chỉ bị nhiễm vi khuẩn mà còn nhiễm cả kim loại nặng. Điều này cũng tương tự như việc các mẫu rau muống trồng ở ven các đường đi, quốc lộ có hàm lượng chì cao hơn bình thường; hoặc vi sinh vật bị nhiễm từ nước đá. Đoàn kiểm tra liên ngành TP.Hà Nội vừa kiểm tra ở Mễ Trì tháng 6 vừa qua, đã phát hiện thấy vi khuẩn trong nước đá”.

Tuy số mẫu chưa nhiều, nhưng có ý nghĩa cảnh báo về nguy cơ nhiễm vi sinh vật, kim loại nặng ở thức uống đường phố. Mức độ nhiễm “bẩn” ở các mẫu đồ uống và nguyên liệu pha chế này cũng tương tự như nhiều kết quả xét nghiệm trước đó: 60-70% nhiễm vi sinh vật và 20% nhiễm kim loại nặng. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm trong nước uống đường phố còn chưa được các cơ quan chức năng thực sự quan tâm.

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cũng tư vấn: Nguy cơ ô nhiễm ở nước uống đường phố là có thật. Vì thế, người tiêu dùng nên lựa chọn những loại nước uống đóng chai, được chế biến và sản xuất bởi những nơi có uy tín, sản phẩm được cấp phép lưu hành.

Theo laodong.com.vn

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người nhập viện và 18 trường hợp tử vong.

 Nhận các thông tin cập nhật mới nhất liên quan đến ngành TPCN trong nước và ngoài nước theo bản tin tháng của VAFF. Để đăng kí nhận Bản tin, quý Hội viên vui lòng điền các thông tin tải bản đăng ký và gửi đến địa chỉ email: info@vaff.org.vn (chỉ sử dụng địa chỉ email liên lạc chính thức với Quý Công ty/ Hội viên).  

Các tin khác